Cha mẹ không thể luôn ở cạnh để chăm sóc và bảo vệ con. Do đó, tốt nhất là dạy trẻ hiểu cách tự bảo vệ chính bản thân mình mà không khiến nguy hiểm leo thang. Là cha mẹ, chúng ta luôn cố gắng hết sức để là chỗ dựa vững chắc, bao bọc và che chở cho con cái của mình bất cứ khi nào trong cuộc đời. Tuy nhiên, khi con cái ngày một trưởng thành, bước vào những môi trường riêng, thiết lập những mối quan hệ xã hội riêng, xích mích và xung đột với mọi người xung quanh là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều phụ huynh gặp bối rối không biết xử lý thế nào khi con mình bị bạn đánh. Khi đứa trẻ nói với cha mẹ rằng: “Con bị bạn đánh ở lớp, con có được đánh lại không?”, mọi người nên trả lời như thế nào cho thuyết phục?
Trong tình huống này, một số phụ huynh cho rằng “một điều nhịn là chín điều lành”. Họ khuyên con cái nên “hòa thuận là tốt nhất” và luôn thuyết phục con cái có “lòng khoan dung”. Ngược lại, một số phụ huynh thì lại ủng hộ con cái chống lại. Nhưng cách khuyên bảo như thế nào mới thực sự hiệu quả?
Dưới đây là một tình huống mà ông bố có EQ cao đã trả lời con của mình.
Tiểu Nam từ nhỏ đã là một cậu bé thông minh, năng động. Cậu luôn nằm trong top đầu ở lớp, vui vẻ và hòa đồng với bạn bè nên hàng ngày, cậu luôn đến trường trong niềm vui.
Bỗng một ngày nọ, Tiểu Nam về nhà với vẻ tức giận và kể với cha rằng: “Bố, nếu ở lớp có bạn đánh con, thì con có thể đánh lại bạn không ạ?”
Câu hỏi của con trai khiến ông bố sững sờ và giật mình. Một lát sau, bố của Tiểu Nam bình tĩnh trở lại và nói: “Con trai, tại sao con lại hỏi như vậy?”
Tiểu Nam mới đáp rằng, ở lớp có một bạn học rất ngổ ngáo mới chuyển đến. Cậu ta thường xuyên bắt nạt các bạn trong lớp và hôm nay, Tiểu Nam đã xảy ra xích mích với cậu bạn đó. Sau một hồi to tiếng qua lại, bạn học kia đã đánh Tiểu Nam một cái nhưng cậu không dám phản kháng lại.
Biết được lý do, cha của Tiểu Nam kiên nhẫn nói với con mình rằng: “Con à, từ trước đến nay, con được dạy rằng không được gây gổ với bạn bè, phải luôn hòa thuận và khoan dung với người khác. Điều đó thể hiện sự thông minh cũng như sự tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên,, trong trường hợp con bị dồn ép tới đường cùng mà không biết gọi ai cứu trợ, thì lúc ấy cần phản kháng lại một cách thích hợp.”
Đồng thời, cha của Tiểu Nam cũng nhấn mạnh: “Nhưng trong quá trình đó phải tuyệt đối nhớ rằng, phản kháng không đồng nghĩa với bạo lực. Con chỉ phản kháng để bảo vệ bản thân. Dù thế nào, con cũng phải bảo vệ những bộ phận quan trọng trên cơ thể mình, cũng không được tấn công bộ phận quan trọng của đối phương. Con cũng không muốn khiến bạn gặp nguy hiểm, đúng không nào?”
Cha mẹ không thể luôn ở cạnh để chăm sóc và bảo vệ con. Do đó, tốt nhất là dạy trẻ hiểu cách tự bảo vệ chính bản thân mình mà không khiến nguy hiểm leo thang.
Có thể thấy, cha của Tiểu Nam đã xử lý tình huống rất tinh tế. Một mặt, ông dạy cho con cái rằng, đối với những kẻ bắt nạt, nhường nhịn không phải là cách giải quyết vấn đề. Đầu tiên, con trẻ phải đi tìm sự trợ giúp. Nếu không có ai để trợ giúp, trẻ phải học cách tự phản kháng để bảo vệ bản thân, dựa trên những giới hạn nhất định.
Mặt khác, ông lập tức xử lý tình huống dưới góc độ của người lớn, đề cập vấn đề cho giáo viên phụ trách, để mọi người cùng tìm ra vấn đề rồi khắc phục hợp lý.
Dạy con tự bảo vệ bản thân
Chính vì cha mẹ không thể luôn ở cạnh con, chăm sóc, bảo vệ con, nên cách tốt nhất là dạy trẻ cách tự bảo vệ chính bản thân mình. Dù ở trường lớp hay những nơi công cộng, sẽ có lúc con trẻ cảm thấy thiếu an toàn, phải đối mặt với sự đe dọa, tấn công. Cha mẹ nên dạy cho con tầm quan trọng của việc tự vệ, chẳng hạn như để mắt đến những lối tắt hay lối thoát hiểm quanh mình, không để bản thân tách khỏi một đám đông hay nhóm bạn…
Đồng thời, trẻ phải biết cách thu hút chú ý, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người lớn xung quanh. Nếu có thể, trong điều kiện đảm bảo an toàn cá nhân, trẻ nên học cách đánh lạc hướng chính những người đang đe dọa mình để tìm cách xoay chuyển tình thế, thay vì chỉ im lặng phục tùng.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể tự tin cũng là một dạng sức mạnh để ngăn chặn việc con có thể bị bắt nạt hay tấn công. Từ tư thế, bước đi, dáng đứng hay cử chỉ và giao tiếp mắt, hãy bộc lộ sự tự tin một cách lành mạnh. Điều đó sẽ giúp trẻ tránh khỏi hình ảnh yếu ớt, nhút nhát và vô tình trở thành mục tiêu để những kẻ tấn công, bắt nạt nhanh chóng tiếp cận.
Cha mẹ là những người gần gũi, cận kề nhất trong cuộc sống của con và vì thế cũng cần luyện tập để trở thành hình mẫu cho con thấy được vẻ khẳng khái, bình tĩnh trong phản ứng với mọi tình huống. Khi có môi trường để tự tin bộc lộ những thái độ đúng mực và suy nghĩ cá nhân, con có thể bước ra ngoài với chính tâm thế và khí chất rằng bản thân có thể tự bảo vệ chính mình.
Nguồn: Aboluowang